Thông tin về Luận án Tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Ký

1.Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Xuân Ký              2. Giới tính: Nam

3. Ngày sinh: 10 / 07 /1972 4. Nơi sinh: Nam Định

5.Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: số 2128/ QĐ-ĐHQGHN ngày 20/07/2020 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

6.Các thay đổi trong quá trình đào tạo (nếu có):

7.Tên đề tài luận án: Quản trị phát triển bền vững địa phương: Nghiên cứu điển hình tại tỉnh Quảng Ninh

8.Chuyên ngành: Quản trị và Phát triển Bền vững                 9. Mã số: Thí điểm

10.Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Hoàng Đình Phi

11.Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

Mục tiêu của luận án:

Mục tiêu tổng quát của luận án là phát triển lý luận và xây dựng khung phân tích và kiểm định sự tác động trực tiếp của hoạt động quản trị địa phương đến sự phát triển bền vững tại tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, luận án xác định các hoạt động quản trị phát triển bền vững địa phương cần được quan tâm và có khuyến nghị chung cho Nhà nước và đề xuất các giải pháp riêng cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong việc thúc đẩy và tăng cường các hoạt động quản trị phát triển bền vững địa phương.

       Đối tượng nghiên cứu của luận án:

Luận án tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của công tác quản trị phát triển bền vững địa phương đến sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng

  • Phương pháp thống kê: được nghiên cứu sinh sử dụng để mô tả và ước lượng sự ảnh hưởng của các hoạt động quản trị địa phương đến sự phát triển bền vững tại địa phương.
  • Phương pháp phân tích hệ thống: được nghiên cứu sử dụng trong việc đánh giá tổng thể các hoạt động quản trị của địa phương và xác định các yếu tố thúc đấy cũng như các yếu tố cản trở khi thực hiện các chiến lược và kế hoạch hướng đến phát triển bền vững tại địa phương.
  • Phương pháp so sánh: được nghiên cứu sinh sử dụng để so sánh các kết quả phân tích, các chỉ số phát triển bền vững của địa phương qua các năm cũng như so sánh giữa địa phương này với địa phương khác trong quá trình phân tích hoạt động quản trị phát triển bền vững.
  • Phương pháp mô hình hóa: được nghiên cứu sinh sử dụng để phân tích và dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững địa phương.
  • Phương pháp chuyên gia: được nghiên cứu sinh sử dụng để tham vấn các các bên liên quan trong quá trình quản trị địa phương cũng như xin ý kiến đánh giá về các chỉ số ưu tiên trong phát triển bền vững của địa phương.

Các kết quả chính

  • Tổng hợp lý luận về phát triển bền vững, quản trị phát triển bền vững địa phương, và xây dựng mô hình nghiên cứu nhằm kiểm định sự ảnh hưởng của hoạt động quản trị địa phương đến kết quả phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, và đảm bảo an ninh phi truyền thống tại địa phương.
  • Kết quả phân tích hồi quy chỉ ra rằng hoạt động quản trị địa phương bao gồm (i) Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển bền vững, (ii) Vai trò lãnh đạo đối với các hoạt động phát triển bền vững, (iii) Nguồn nhân lực quản trị phát triển bền vững, và (iv) Công tác kiểm tra, giám sát đối với phát triển bền vững có tác động tích cực đến kết quả phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, và đảm bảo an ninh phi truyền thống tại tỉnh Quảng Ninh.
  • Đề xuất 4 nhóm giải pháp và khuyến nghị tập trung vào (i) Chiến lược và kế hoạch phát triển bền vững, (ii) Vai trò lãnh đạo đối với các hoạt động phát triển bền vững, (iii) Nguồn nhân lực quản trị phát triển bền vững, và (iv) Công tác kiểm tra, giám sát đối với phát triển bền vững cho tỉnh Quảng Ninh nhằm giúp cho tỉnh nâng cao hiệu quả quản trị phát triển bền vững, góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát triển địa phương của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Những đóng góp mới của luận án

Đóng góp về lý luận: Thứ nhất, kết quả của luận án sẽ bổ sung vào khoa học quản trị phát triển bền vững nói chung và quản trị phát triển bền vững tại một quốc gia đang phát triển nói riêng. Thứ hai, nghiên cứu này đã bổ sung chỉ số đảm bảo các vấn đề an ninh phi truyền thống vào thang đo kết quả phát triển bền vững. Đây là một trong những đóng góp quan trong cho lý thuyết bởi vì trước đây các học giả trên thế giới khi đánh giá kết quả phát triển bền vững của một quốc gia hay địa phương thường tập trung vào 3 nhóm chỉ số phát triển bền kinh tế, xã hội và môi trường. Thứ ba, luận án đã có đóng góp quan trọng về phương pháp khi ước lượng ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động quản trị địa phương đến kết quả phát triển bền vững của địa phương trong bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh.

Đóng góp về thực tiễn: Thứ nhất, luận án đã chỉ ra được hoạt động quản trị nào sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả phát triển bền vững tại địa phương để các nhà quản trị địa phương có các chính sách, chương trình ưu tiên nhằm giải quyết vấn đề. Thứ hai, luận án đã đưa ra các đưa ra các nhóm giải pháp và khuyến nghị trong việc quản trị phát triển địa phương tại tỉnh Quảng Ninh tập trung vào các nhóm giải pháp về chiến lược và kế hoạch, tổ chức nguồn lực, chỉ đạo lãnh đạo, và kiểm tra, kiểm soát. Thứ ba, kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý của nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên, bảo đảm phát triển bền vững của địa phương.

  1. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: tại tỉnh Quảng Ninh
  2. Các hướng nghiên cứu tiếp theo: Quản trị địa phương, phát triển bền vững.
  3. Các công trình công bố liên quan đến luận án:
  4. Management of Nontraditional Security for Vietnam’s Sustainable Development: An Integrated Approach. Sustainability: Science, Practice, and Policy, 18 (1), 696–709. (2022)
  5. Tỉnh Quảng Ninh kiên cường vượt qua các đợt dịch, biến ‘’nguy’’ thành ‘’cơ’’, duy trì tăng trưởng hai con số để tạo đà bứt phá phát triển, giữ vững vai trò một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện phía Bắc, Tạp chí Cộng sản, số 983, 79-85. (2022)
  6. Khai thác, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực tại chỗ đặt trong tổng thể mô hình quản trị địa phương phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh trước bối cảnh thích ứng an toàn, (bản online ngày 27-05-2022). Tạp chí cộng sản.
  7. Tỉnh Quảng Ninh – Đột phá bắt đầu từ tư duy lãnh đạo, tầm nhìn và khát vọng phát triển, Tạp chí Cộng sản, số 969, 79-84. (2021)
  8. Ứng phó và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh – tiếp cận từ quản trị an ninh phi truyền thống (bản online ngày 03-10-2021). Tạp chí Cộng sản.
  9. Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở tỉnh Quảng Ninh, Tạp chí Cộng sản, số 937, 66-71. (2020)
  10. Bài học về “Dân tin – Đảng cử” trong triển khai thành công mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” ở tỉnh Quảng Ninh (bản online ngày 29-12-2020). Tạp chí Cộng sản.