Tìm hiểu về kinh tế hạnh phúc trong thế giới toàn cầu hóa cùng GS. Jorge Guardiola

Sáng ngày 23/12, tại Hội trường Võ Nguyên Giáp, Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐHQGHN đã diễn ra seminar “HAPPINESS ECONOMICS IN THE GLOBALIZED WORLD” (Kinh tế hạnh phúc trong thế giới toàn cầu hóa) với sự góp mặt của GS. Jorge Guardiola Wanden – Berghe đến từ trường Đại học Granada, Tây Ban Nha.

Jorge Guardiola là giảng viên chuyên ngành Kinh tế học Ứng dụng của trường Đại học Granada, Tây Ban Nha. Ông là người đã có rất nhiều năm kinh nghiệm và nghiên cứu về các đề tài liên quan đến kinh tế, phát triển con người, mưu cầu hạnh phúc và đói nghèo. Được mệnh danh là “Bậc thầy về Kinh tế hạnh phúc”, ông đã mang đến cho hội trường rất nhiều khái niệm và góc nhìn mới mẻ, đưa ra những dẫn chứng thực tế về mối quan hệ giữa “hạnh phúc” và “kinh tế”.

Trước hết, để hiểu “Kinh tế hạnh phúc” nghĩa là gì, GS.Jorge Guardiola đã làm rõ khái niệm “hạnh phúc”. Vị giáo sư dày dặn kinh nghiệm đã chỉ ra cho chúng ta biết rằng, hạnh phúc chính là những trải nghiệm của việc được cảm thấy hay trở nên tốt đẹp, ngoài ra hạnh phúc cũng chính là một trạng thái hài lòng chủ quan. Bên cạnh đó, ông cũng lấy dẫn chứng nghiên cứu của nhà khoa học Mariano Rojas để phân loại những dạng hạnh phúc khác nhau như: Sự thỏa mãn, cảm xúc, nhận thức và tinh thần.

Sau đó, GS. Guardiola chia sẻ những kiến thức xoay quanh Kinh tế hạnh phúc. Ông giải thích rằng “Kinh tế hạnh phúc chính là mối quan hệ giữa các yếu tố kinh tế và cảm nhận hạnh phúc theo hướng chủ quan.” Mối quan hệ này được đánh giá thông qua các khía cạnh như tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, việc làm, các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần và thu nhập cá nhân.

Giáo sư đặc biệt nhấn mạnh sự tương quan chặt chẽ giữa các yếu tố trên, đồng thời trình bày nhiều luận điểm hơn để làm sáng tỏ sự kết nối đó như qua thu nhập biên, sự quan trọng của thu nhập, nhu cầu cơ bản. Đồng thời chứng minh những luận điểm trên qua những tâm lý cạnh tranh của con người, hay qua nghiên cứu về hành vi của nhà tâm lý học Daniel Kahneman như Sự ảo tưởng tập chung (Focusing Illusion) hay Giấc mơ Mỹ (American Dream).

Song hành với đó, yếu tố khác cũng được GS. Guardiola nói đến để nhấn mạnh sự tương quan giữa “hạnh phúc” và “kinh tế” đó chính là Động lực ngoại tại và chủ nghĩa vật chất. Đối với nền kinh tế thế giới, những yếu tố trên sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng, mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp và giá trị thu hồi thuế cao hơn. Tuy nhiên đồng thời, ông cũng chỉ ra những vấn đề của chủ nghĩa vật chất. Trong đó theo ông, “Chủ nghĩa tư bản, với tư cách là một hệ thống kinh tế, thúc đẩy chủ nghĩa vật chất thông qua các công cụ hỗ trợ và nhiều cách thức khác, tạo ra sự thiệt thòi của con người như một cái giá để duy trì hệ thống”. Cho thấy những mặt khác nhau của các yếu tố ảnh hưởng đến Kinh tế hạnh phúc.

Ngoài ra, một số yếu tố ảnh hưởng khác như vị trí của hàng hóa, quan hệ hàng hóa hay nghịch lý Easterlin cũng được Giáo sư nhắc đến để thính giả có thêm cái nhìn về các yếu tố kinh tế ảnh hưởng đến hạnh phúc, khơi gợi tư duy sâu sắc về việc tối ưu hóa các nguồn lực để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chương trình seminar đã diễn ra vô cùng sôi nổi với sự tương tác giữa diễn giả và những sinh viên HSB. Người tham dự không chỉ được trải nghiệm khoảng thời gian trao đổi kiến thức một cách thú vị mà còn mở mang hiểu biết về các yếu tố thực tiễn góp phần xây dựng và ứng dụng hiệu quả Kinh tế hạnh phúc trong cuộc sống cũng như công việc.