Thông tin tóm tắt Những kết luận mới của Luận án tiến sĩ của NCS Hoàng Anh Tuấn

1. Đề tài luận án: Quản trị an ninh công nghệ cho ngành công nghiệp điện Việt Nam

2. Chuyên ngành: Quản trị và Phát triển bền vững Mã số: Thí điểm

3. Họ và tên nghiên cứu sinh: Hoàng Anh Tuấn

4. Họ và tên cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TS. Mai Trọng Nhuận GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm

5. Những kết luận mới của luận án:

* Về lý luận:

Luận án góp phần phát triển lý luận về quản trị an ninh công nghệ, làm rõ khái niệm an ninh công nghệ và xây dựng khung phân tích về quản trị an ninh công nghệ dựa trên lý thuyết và phương trình an ninh phi truyền thống. Vận dụng lý thuyết quyết định luận công nghệ, lý thuyết xã hội kỹ thuật, lý thuyết nguồn lực cùng lý thuyết quản trị an ninh phi truyền thống để định nghĩa khái niệm an ninh công nghệ và xây dựng một khung tiêu chí đánh giá tác động công tác quản trị an ninh công nghệ tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp – đo lường theo các yếu tố tổn thất, mất mát. Đưa ra các yếu tố nội hàm của quản trị an ninh công nghệ với các yếu tố được đề xuất thông qua phỏng vấn và kế thừa từ các nghiên cứu về quản trị công nghệ, quản trị an ninh liên quan đến công nghệ như an ninh mạng, an ninh hạ tầng thiết yếu, an ninh điện.

* Về thực tiễn:

Làm rõ thực trạng về chất lượng hệ thống công nghệ, các rủi ro công nghệ hiện tại của EVN cũng như đánh giá được độ nghiêm trọng của các nhóm rủi ro liên quan đến công nghệ có thể ảnh hưởng đến an ninh công nghệ của EVN. Luận án đã kiểm định một số giả thuyết và chứng minh được các yếu tố quản trị an ninh công nghệ như an toàn, ổn định công nghệ, quản trị rủi ro an ninh công nghệ, năng lực nhận thức và rủi ro về con người có tác động trực tiếp đến tổn thất của các tổ chức có hàm lượng công nghệ cao như các DN thuộc EVN. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng và thực tiễn của nghiên cứu về quản trị an ninh công nghệ và đây là một hướng nghiên cứu có ích đối với thực tiễn của các tổ chức, doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như EVN và các công ty thuộc ngành công nghiệp điện. Lĩnh vực QTANCN có nhiều tiềm năng ứng dụng với các loại hình tổ chức, doanh nghiệp công nghệ trong tương lai hoặc các hệ thống công nghệ quan trọng của quốc gia.

Related Posts