“An ninh phi truyền thống” (ANPTT) là một khái niệm mới xuất hiện và được đề cập khá nhiều trong thời gian gần đây. Đây là mối quan tâm lớn của các quốc gia trên thế giới, là một trong những chủ đề quan trọng được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, được bàn luận trên nhiều diễn đàn quốc tế, cũng như trong nhiều nội dung của các quan hệ song phương và đa phương.
Chính vì vậy, Lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống (NSMS) trực thuộc Khoa Quản trị và Kinh doanh – ĐHQGHN đã vinh dự nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, đơn vị Trung ương và TP Hà Nội, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, nhà quản lý, như: UB Tư pháp Quốc hội, UB Quốc phòng và An ninh Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, Công an TP.Hà Nội, Công an tỉnh Hà Nam, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện chính trị CAND, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế LHQ, Đại sứ quán Trung Quốc, Liên Bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, TCT Điện lực TP.Hà Nội, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh…
Buổi lễ ra mắt NSMS cũng nhận được lẵng hoa chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Không những thế, với vai trò là cơ sở nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về khoa học quản lý và quản trị ANPTT, sự ra mắt của trung tâm NSMS đã thu hút hơn 20 đơn vị báo chí tới tham dự và đưa tin về sự kiện trên.
Trung tâm NSMS đặt ra mục tiêu cơ bản là tập hợp các chuyên gia KHCN và các nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành về An ninh truyền thống và ANPTT để thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản về các yếu tố cấu thành và các yếu tố tác động tới ANPTT và quản trị ANPTT ở các cấp độ khác nhau và trong các lĩnh vực khác nhau, các mối quan hệ tác động đến sự phát triển bền vững của Nhà nước, doanh nghiệp và con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, qua đó góp phần xây dựng chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực cụ thể.
Với mục tiêu trên, NSMS hướng tới tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành một trung tâm có uy tín quốc tế về ANPTT thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ, hợp tác xuất bản các kết quả nghiên cứu, hợp tác đào tạo và tư vấn về quản trị ANPTT.
Sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống là một bước đi mới của Khoa Quản trị và Kinh doanh cũng như ĐHQGHN trong việc gắn đào tạo với nghiên cứu, tư vấn chính sách, tư vấn xã hội. Việc thành lập Trung tâm NSMS hứa hẹn sẽ góp phần phát triển bền vững Khoa Quản trị và Kinh doanh nói riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và góp phần vào sự phát triển Khoa học Quản lý và Khoa học An ninh tại Việt Nam.
Thùy Dung