Lịch sử hình thành Trường quản trị và kinh doanh (HSB) tại ĐHQGHN và Chương trình hợp tác HSB – Trường Kinh doanh Tuck, Dartmouth College

Hơn một thập kỷ làm việc và học hỏi từ các nhà lãnh đạo, giáo sư của HSB cũng như các học viên tham gia theo học chương trình liên kết giữa HSB-Tuck đã mang đến cho tôi và các giảng viên Tuck những kỷ niệm và ảnh hưởng lớn lao.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH TRƯỜNG QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH (HSB) TẠI ĐHQGHN – Trường Kinh doanh Tuck, Dartmouth College

Tác giả: Joseph A. Massey, ngày 01/10/ 2016
Giáo sư danh dự khoa Kinh doanh Quốc tế
Giám đốc sáng lập danh dự Trung tâm Kinh doanh Quốc tế
Trường Kinh doanh Tuck tại Đại học Dartmouth

 

* Hanoi School of Business (HSB) theo nghĩa tiếng Anh là Trường Kinh doanh Hà Nội, nhưng được gọi bằng tiếng Việt là Trường Quản trị Kinh doanh (HSB) ngang cấp trường thành viên trong mô hình ĐHQGHN. Nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ hết mình của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, các giảng viên, các cựu sinh viên và những người bạn Mỹ đặc biệt, HSB đã trở thành mô hình trường quản trị độc đáo tại Việt Nam và phát triển bền vững dựa trên 4 trụ cột: Công lập, Tự chủ, Không vì lợi nhuận, Hợp tác công tư. Năm 2016, HSB đổi tên tiếng Việt thành Khoa Quản trị và Kinh doanh Hà Nội với logo và thương hiệu HSB được giữ nguyên. Hiện nay HSB có các chương trình đào tạo tiên tiến và liên ngành từ cử nhân (MET), đến thạc sĩ (MNS, MBA) và tiến sĩ (DMS). Thông tin chi tiết, xem thêm tại www.hsb.edu.vn.

Đây là một niềm vinh dự sâu sắc khi tôi được HSB mời tham gia đóng góp để viết về lịch sử của HSB, một mô hình trường kinh doanh theo kinh tế thị trường đầu tiên tại Việt Nam. Tôi đã có may mắn khi trở thành đối tác của HSB trong hơn một thập kỷ, từ những ngày đầu năm 1994 khi mà một ngôi trường tầm cỡ và dẫn đầu Việt Nam như hiện nay, lúc đó mới chỉ tồn tại và được ấp ủ trong những ý tưởng và hi vọng của một nhóm nhà lãnh đạo doanh nghiệp và học giả Việt Nam có tầm nhìn đổi mới, cho đến năm 2006, một năm trước khi tôi nghỉ hưu tại Trường Kinh doanh Tuck ở Đại học Dartmouth và tham gia vào các chương trình liên kết giữa Tuck với HSB.

Kế hoạch thành lập một Trường Kinh doanh theo kinh tế thị trường tại Việt Nam

Cuối năm 1993, tôi nhận được một cuộc điện thoại để bàn từ một đồng nghiệp cũ tại Văn phòng Nhà Trắng của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Người gọi là Michael Samuels, nguyên là Đại sứ Hoa Kỳ tại GATT, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại, nay là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đại sứ Samuels đã gọi và truyền tải thông điệp của chính phủ Việt Nam và VCCI về lời mời tôi cùng ông và một công chức của Bộ thương mại Thái Lan tham dự một hội thảo về thương mại tại Hà Nội vào đầu năm tới. Tại thời điểm đó, tôi là Giáo sư và Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Quốc tế tại Trường Kinh doanh Tuck tại Đại học Dartmouth ở Hoa Kỳ.

Tôi nhận được lời mời là bởi vì trước khi tham gia giảng dạy tại Tuck, từ năm 1982 đến 1992, tôi đã giữ nhiều chức vụ trong Nhà Trắng – tại Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) và Văn phòng Phát triển Chính sách, và cao nhất là Trưởng đại điện đàm phán thương mại với Trung Quốc và Nhật Bản từ năm 1985 đến năm 1992. Kinh nghiệm của tôi trong đàm phán với Trung Quốc đặc biệt phù hợp với mục đích của hội thảo khi mà Việt Nam, chuẩn bị nối lại quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Hai nước sẽ sớm đàm phán một hiệp định thương mại song phương, để từ đó Việt Nam xin gia nhập GATT/WTO. Hoa Kỳ được cho rằng sẽ đưa ra những yêu cầu tương tự như khi đàm phán với Trung Quốc tới Việt Nam – một quốc gia trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Tôi rất vui mừng trước lời mời này và hào hứng khi được tham gia. Tôi chưa bao giờ đến Việt Nam và xem hội thảo như một nơi mà kinh nghiệm khi làm việc ở USTR sẽ giúp ích phần nào cho việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Buổi hội thảo diễn ra tại Hội trường Triển lãm Hồ Chí Minh, Hà Nội vào tháng 1 năm 1994. Trong lúc giải lao hội thảo buổi sáng, tôi được nói chuyện với người tên là Nguyễn Thủ Đô, ông là một công chức tại Văn phòng Thủ tướng Chính phủ phụ trách về kinh tế. Ông giới thiệu về việc mình từng tốt nghiệp Thạc sĩ tại Harvard và sau khi về Việt Nam đã trở thành thành viên của một nhóm học giả Việt Nam quan tâm đến việc thành lập một trường kinh doanh mang tính kinh tế thị trường như trường Tuck và được thành lập tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh hỏi liệu Trường Tuck có sẵn lòng giúp đỡ không. Tôi trả lời rằng cá nhân tôi sẽ rất vui mừng và vinh dự được giúp đỡ và tôi cũng chắc rằng Trường Tuck cũng vậy. Tôi hứa sẽ trao đổi vấn đề này với Hiệu trưởng Trường Tuck khi tôi trở về Mỹ. Việc hỗ trợ nhóm sáng lập và Đại học Quốc gia Hà Nội tạo ra một trường kinh doanh mang tính kinh tế thị trường hiện đại sẽ là một cách mà tôi, và các giáo sư đồng nghiệp tại Tuck có thể mang đến một sự đóng góp có ý nghĩa với việc thúc đẩy hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước – một việc rất quan trọng với tôi và nhiều người Mỹ khác.

Buổi gặp gỡ với nhóm sáng lập HSB

Gần cuối chuyến công du, ông Đô đã giới thiệu tôi với nhóm bạn bè của mình, những người cùng chung mục tiêu tạo ra một trường kinh doanh có thể dạy các môn học mà các nhà lãnh đạo, quản trị của Việt Nam cần khi đất nước mở cửa với nền kinh tế thị trường và cạnh tranh nước ngoài phù hợp với chương trình cải cách “Đổi mới”. Tôi coi đây là nhóm sáng lập Trường Kinh doanh Hà Nội (HSB). Trong nhóm có hai thành viên là người Việt Nam đầu tiên theo học thạc sỹ kinh doanh tại Hoa Kỳ sau năm 1975, ông Trần Vũ Hoài và bà Đinh Thị Hoa, cả hai đều nhận bằng MBA của Trường Kinh doanh Harvard. Một thành viên khác là ông Hà Trung, một doanh nhân người Mỹ gốc Việt đã quen biết ông Hoài và bà Hoa trong khi họ là sinh viên ở Boston.

Một thành viên chủ chốt của nhóm là một người chưa từng học ở Mỹ, và chưa từng học về kinh doanh, Tiến sĩ Trương Gia Bình. Tiến sĩ Bình đã học và nhận bằng tiến sĩ toán học và vật lý tại Đại học Lomosomov ở Nga. Tiến sĩ Bình là người đã thúc đẩy và đưa HSB từ một ý tưởng trở thành một cơ sở giáo dục hoạt động bài bản. Khi ông trở về từ Mát-cơ-va, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Thương mại và Chế biến Thực phẩm (FPT). Kể từ khi được bổ nhiệm năm 1994, ông đã biến FPT trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, nay là Tập đoàn Tài chính và Phát triển Công nghệ, FPT.

Sau khi kết thúc hội thảo thương mại quốc tế hồi tháng 01 năm 1994 và một số buổi thảo luận về kế hoạch thành lập trường với nhóm sáng lập, tôi trở lại Trường Tuck gặp Hiệu trưởng Paul Danos để thông báo về cơ hội đóng góp vào giáo dục ngành kinh doanh tại Việt Nam. Ông rất ủng hộ và mong tôi sẽ làm người phụ trách từ phía Tuck, chịu trách nhiệm về việc huy động bất cứ nguồn tài trợ nào cần thiết.

Điều đầu tiên cần làm là tập hợp sự quan tâm và ủng hộ giữa các giảng viên Tuck. Giáo sư Paul Argenti và Mary Munter đang ở Thái Lan trong kỳ nghỉ xuân tháng 3 năm 1994 và tôi đã thuyết phục họ ghé thăm Hà Nội để gặp nhóm sáng lập HSB. Họ rất ấn tượng với chất lượng và phẩm chất của nhóm sáng lập cũng như tầm nhìn của họ đối với HSB. Cùng thời gian đó, TS. Bình và nhóm sáng lập đã tuyển dụng những giảng viên trẻ đầu tiên để dạy tại HSB. Từ phía trường Tuck, Giáo sư Argenti, Giáo sư Wayne Broehl và tôi đã làm việc với nhóm sáng lập HSB về chiến lược phát triển cho các chương trình sắp tới và giáo án. Chiến lược ban đầu là tập trung vào các chương trình ngắn hạn về quản trị điều hành trước khi chuyển sang khải giảng một chương trình Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, và quyết định thực hiện chương trình cử nhân hay tiến sỹ sẽ dể dành trong tương lai. Một vấn đề thú vị xuất hiện trong các cuộc thảo luận của chúng tôi, đó là tên viết tắt của trường: gọi tên là HBS (Hanoi Business School) hay HSB (Hanoi School of Business) và nhóm đã quyết định để tên là HSB để tránh nhầm lẫn với những trường kinh doanh khác có viết tắt là HBS.

HSB Lich-su-1

Niềm vinh hạnh của tôi khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng

Việc thành lập HSB gặp phải nhiều thách thức. Vấn đề đầu tiên là việc Trường (Khoa) được chấp nhận và được xem như một đơn vị thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Từ trước khi thành lập, Giáo sư Trần Ngọc Hiên, một nhà kinh tế học hàng đầu và là Chủ nhiệm khoa kinh tế chính trị tại ĐHQGHN, được bổ nhiệm là chủ nhiệm khoa HSB. Quan điểm này xuất phát từ các đồng nghiệp Tuck và bản thân tôi vào thời điểm đó khi nhận thấy ông Hiên đang nắm giữ vị trí chủ nhiệm khoa kinh tế chính trị của ĐHQGHN, vì thế ông Hiên có thể giúp HSB có được sự đồng tình từ khoa kinh tế chính trị và các khoa liên quan, để có được một liên kết bền vững với ĐHQGHN, đồng thời thiết lập các mục tiêu và kế hoạch hòa hợp với nhu cầu của đất nước và đưa ra chính sách theo đúng quan điểm của các nhà chức trách giáo dục. Khi ông Hiên rời vị trí sau thời gian ngắn, Trương Gia Bình đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm khoa HSB và lãnh đạo trong suốt thời gian còn lại mà tôi tham gia, và cho đến khi Phó Giáo sư Hoàng Đình Phi nhận chức Chủ nhiệm thứ ba của HSB vào năm 2013. Trước đó, tôi cũng đã gặp và kết bạn với GS. Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vào thời điểm đó. GS. Đạo đã ủng hộ mạnh mẽ cho nhóm sáng lập trong việc thiết lập vị thế tự chủ cho HSB với tư cách là một đơn vị độc lập và khác biệt tại ĐHQGHN với việc tự chủ về tài chính, nhân sự và học thuật. Việc thành lập HSB tại ĐHQGHN là bước tiến đầu tiên trong hệ thống đại học quốc gia của đất nước này và nó đã trở thành một mẫu hình để các đơn vị khác học tập làm theo.  Một vài năm sau đó, tôi đã rất đau lòng khi phải đại điện cho Tuck tại lễ truy điệu cho GS Đạo sau khi ông qua đời đột ngột bởi tai nạn giao thông. Sự quyết đoán và hỗ trợ của ông cả ở bên trong ĐHQGHN và khi làm việc với các quan chức lãnh đạo giáo dục của chính phủ, có tầm quan trọng tuyệt đối với HSB.

Thách thức thứ hai là HSB sẽ được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón nhận như thế nào. Tại đây, uy tín tập thể của các thành viên nhóm sáng lập đã được minh chứng là một tài sản vô giá. Các thành viên chủ chốt có mối quan hệ rộng rãi với các công ty Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Chuyên môn và sự thành công của họ trong việc xây dựng và điều hành các doanh nghiệp được biết đến và tôn trọng, đồng thời cam kết của họ đối với HSB là một tài sản vô cùng quý giá cho trường, và được nhân lên với việc bổ nhiệm Trương Gia Bình làm Phó Chủ nhiệm khoa và sau đó làm Chủ nhiệm khoa.

Một thách thức hiển nhiên mà các nhà sáng lập cũng như tất cả các nhà khởi nghiệp (start-up) phải đối mặt đó là: nguồn vốn (nguồn lực tài chính). Đại Học Quốc Gia Việt Nam đã cung cấp một viện trợ quan trọng – một mảnh đất tại khuân viên ĐHQG Hà Nội đã được cấp cho HSB để xây dựng cơ sở vật chất của mình. Tuy nhiên HSB sẽ phải tự huy động tiền để xây dựng. Ban lãnh đạo HSB đã tìm đến cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam để huy động số tiền cần thiết và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và rộng lượng. Với sự đóng góp của nhiều chủ doanh nghiệp, HSB đã có đủ tất cả nguồn lực tài chính để xây dựng một tòa nhà hiện đại, khang trang trong vòng một đến hai năm từ ngày thành lập. Từ nền tảng này, HSB đã lớn mạnh tới vị trí tầm cỡ uy tín và được công nhận ở cấp độ quốc gia.

Tài trợ kinh phí cho hoạt động cũng là một vấn đề và ở đây HSB đã sử dụng một chiến lược rất thành công. Thay vì ngay lập tức thiết lập hệ cử nhân hoặc chương trình MBA phụ thuộc vào việc thu học phí, HSB đã lựa chọn bắt đầu bằng việc cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn về các chủ đề có tính ứng dụng thực tiễn cụ thể dành cho các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam. Lợi thế của chiến lược này là các công ty tham gia học có thể chi trả một khoản phí đáng kể cho các khóa học và các nhà quản trị hài lòng với khóa học lại tiếp tục đề xuất đồng nghiệp của họ học các khóa tiếp theo, từ đó cung cấp một lượng khách hàng ngày càng mở rộng cho HSB. Tóm lại, HSB đã hoạt động theo cách thức của một doanh nghiệp khởi nghiệp nên hoạt động, giảm thiểu chi phí, cung cấp cho thị trường một sản phẩm theo yêu cầu, từ đó từ từ tạo lập và gia tăng dòng tiền. Chỉ trong một vài năm, dòng tiền từ các khóa học ngắn hạn đã giúp trường có thể đưa ra một chương trình MBA với cả hai lựa chọn toàn thời gian và bán thời gian. Quan trọng hơn, những khóa học ngắn này cũng tỏ ra rất hữu dụng trong việc khắc phục những khó khăn về tuyển dụng, đào tạo và giữ chân giảng viên. Những người Việt Nam trẻ tuổi có bằng Thạc sỹ quản trị kinh doanh và đang công tác trong các doanh nghiệp có thể được mời làm giảng viên với mức lương và phúc lợi hấp dẫn. Nhờ nguồn thu nhập từ những khóa ngắn hạn này, HSB có thể trích những khoản chi phí hấp dẫn để thu hút giảng viên trẻ, đồng thời mang đến cho họ những trải nghiệm giảng dạy quý giá và mạng lưới quan hệ sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.

Chương trình Phát triển Nhà Quản trị Quốc tế dành cho các Nhà quản trị Việt Nam

Chương trình Liên kết Phát triển Nhà Quản trị Quốc tế dành cho các Nhà Quản trị Việt Nam (IEDP), giữa HSB và Tuck là chương trình chuyên ngành đầu tiên của HSB, đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thành công và được công nhận bởi cộng đồng kinh doanh Việt Nam và quốc tế. Là đồng giám đốc phía trường Tuck của IEDP, tôi chịu trách nhiệm chung về chương trình; Giáo sư Paul Argenti có vai trò là giám đốc học thuật. Về phía HSB, Chủ nhiệm Khoa Trương Gia Bình là đồng giám đốc của IEDP.

IEDP tập trung vào việc đào tạo các học phần kinh doanh tiêu chuẩn quốc tế cho các nhà quản trị đang điều hành hoặc giữ các vị trí quản trị bậc cao trong các công ty Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân. Tôi đã xin hỗ trợ tài chính cho chương trình và hài lòng với các phản hồi tích cực và mạnh mẽ nhận được. Một số công ty Hoa Kỳ đã đóng góp tiền cho nỗ lực của chúng tôi. Citibank là một trong số đó, và giám đốc chi nhánh Việt Nam, Bradley LaLonde, cũng trở thành một người ủng hộ tích cực và nhiệt tình trường kinh doanh mới mẻ này. Ông LaLonde, hiện là CEO của Vietnam Partners, hiện nay vẫn là người ủng hộ tích cực cho đào tạo kinh doanh tại Việt Nam và HSB.

Cho đến nay, nguồn hỗ trợ tài chính lớn nhất cho chương trình IEDP là Quỹ Freeman của Stowe, Vermont, một quỹ tài chính gia đình được thành lập bởi Houghton Freeman, nguyên Giám đốc điều hành của AIG, Inc. và vợ ông – bà Doreen Freeman. Trải qua tám năm vận hành chương trình, hỗ trợ tài chính của Freemans lên tới nhiều triệu đô la, bao gồm tất cả các chi phí của khoá học kéo dài ba học kỳ, sáu tháng học tập trải nghiệm của IEDP. Hỗ trợ của Freemans tuyệt đối quan trọng đối với chương trình IEDP, một chương trình là nền tảng của HSB trong thập kỷ hoạt động đầu tiên. Tôi biết rằng tất cả chúng tôi, những người xây dựng IEDP, cả phía Tuck và HSB, đều đánh giá sâu sắc về sự hỗ trợ của Quỹ Freeman cho IEDP và cho một số dự án tư vấn liên kết giữa Tuck và HSB mà tôi sẽ diễn giải bên dưới.

Phần đầu tiên của chương trình IEDP bắt đầu với các lớp học trong vòng một tuần vào mỗi tháng 1, giới thiệu nền tảng kinh doanh kinh tế thị trường được giảng dạy bởi một giáo sư của Tuck, hầu hết là Giáo sư Wayne Broehl, với các trợ giảng của HSB. Sau đó, trong hai tháng tiếp theo các lớp học được tiếp tục với các giảng viên HSB – đi sâu hơn vào các chủ đề đã được giới thiệu. Tiếp theo, vào tháng 3, trong kỳ nghỉ Xuân ở Mỹ, một nhóm các giáo sư của Tuck sẽ đến Hà Nội và dạy các lớp chuyên sâu bao gồm các lĩnh vực kinh doanh từ kế toán, tài chính đến vận hành, quản trị chuỗi cung ứng, Marketing, quản trị nhân sự, thương mại quốc tế, chiến lược và các chủ đề khác tùy thuộc vào các chuyên môn của giảng viên.

Trong quá trình triển khai chương trình IEDP, hơn một nửa giảng viên của Trường Tuck tham gia vào quá trình giảng dạy, nhiều người trong số họ giảng dạy liên tục trong nhiều năm. Những giảng viên này bao gồm Hiệu trưởng Danos và nguyên Hiệu trưởng của Tuck, Giáo sư Colin Blaydon. Tại HSB, một số người thuộc nhóm sáng lập, bao gồm Chủ nhiệm Trương Gia Bình, Trần Vũ Hoài và Hà Trung, đã trực tiếp giảng dạy trong hai năm đầu tiên của IEDP, trong lúc Khoa vẫn đang tuyển dụng thêm giảng viên. Khi Khoa dần ổn định, nhiều giảng viên khác đã mang đến đóng góp quan trọng, trong đó có TS. Trần Phương Lan và thạc sĩ Hà Nguyên, cả hai đã trực tiếp tham gia quản trị một hoặc một số chương trình khác của nhà trường. Các giáo sư và giảng viên khác như Roger Ford, Augustine N. Vinh, Nguyễn Thị Mai Linh, Đỗ Xuân Trường, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Việt Anh và những người khác đã dạy trong một số tiết học IEDP hoặc trong một hoặc nhiều khóa học ngắn hạn của HSB. Ông Phan Thanh Tùng và bà Nguyễn Thị Mai Linh đã hỗ trợ quản lý các chương trình đào tạo doanh nghiệp này. Vai trò quan trọng của việc tổ chức IEDP, điều phối lịch trình giảng dạy, giảng viên và người tham gia và các vấn đề hành chính khác được thực hiện với hiệu quả cao và sự nhiệt tình của bà Hồng Thanh Thoại Nhi, cùng trợ lý – bà Lê Mai Chi. Bà Darlene Bailey đã hỗ trợ các vấn đề hành chính của IEDP tại Tuck.

Trọng tâm của IEDP là giúp học viên nắm vững và tôn trọng phương pháp và tinh thần kinh doanh khởi nghiệp, đây là yếu tố trung tâm của kinh tế thị trường, nơi các công ty mới liên tục được tạo ra và thực hiện bước nhảy vọt, luôn mạo hiểm và thỉnh thoảng mới thành công, khi triển khai những ý tưởng mới và khởi nghiệp, làm phong phú cũng như mở rộng các lựa chọn sẵn có cho người tiêu dùng, đang dạng hóa và đổi mới trong cạnh tranh, và giữ vững kinh tế cho xã hội. Các học viên của IEDP là những nhà quản trị đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm của họ được tích luỹ trong đa số các doanh nghiệp hoạt động theo kinh tế tập trung (bao cấp) . Nhờ cải cách Đổi Mới 1986, nền kinh tế Việt Nam đã đi theo một xu hướng mới, trong đó các doanh nghiệp sẽ cần phát triển và thực hiện các kế hoạch dựa trên cơ hội và rủi ro phát sinh từ lực lượng thị trường và các yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, phần thứ ba của chương trình IEDP tập trung liên tục, từ đầu đến cuối, về kinh doanh khởi nghiệp, quy trình tạo ra một doanh nghiệp mới.

Vào tháng 1, các nhà quản trị tham gia chương trình được chia thành các nhóm từ năm đến sáu người, sẽ làm việc cùng nhau trong suốt khoá học để phát triển kế hoạch cho các dự án kinh doanh mới. Vào tháng 3, Giáo sư Argenti và tôi sẽ xem xét và phản biện các kế hoạch kinh doanh của mỗi nhóm. Và, trong giai đoạn thứ ba của chương trình học sáu tháng, một số nhóm, thường bao gồm hơn một nửa số sinh viên tham gia, sẽ đến Mỹ và ở đó trong vòng 2 tuần, tham gia vào một chuyến tham quan học tập mà tôi đã sắp xếp và dẫn dắt trong mùa hè. Buổi cuối cùng sẽ là bài thuyết trình tại trường Tuck của nhóm IEDP về kế hoạch kinh doanh của họ trước giảng viên Tuck và các nhà lãnh đạo kinh doanh của Mỹ, các nhà đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư và các khách mời khác. Vào một số dịp, Houghton Freeman sẽ lái xe từ trụ sở của Quỹ đến Hanove, một trang trại nhỏ màu trắng ở Stowe, Vermont, để tham gia vào việc phản biện các bài thuyết trình của nhóm IEDP.

Trước tuần cuối cùng của các lớp học và thuyết trình kế hoạch kinh doanh tại trường Tuck ở Hanover, New Hampshire, Trung tâm Kinh doanh Quốc tế của Tuck đã sắp xếp cho các nhóm HSB đến thăm nhiều doanh nghiệp trên cả bờ biển phía Tây và phía Đông của Hoa Kỳ. Trong những năm đầu, các cuộc họp ở Bờ Tây đã diễn ra tại Seattle, nơi chúng tôi đến thăm các cơ sở và họp nhóm tại Microsoft và Boeing. Trong những năm tiếp theo của chương trình, chúng tôi đã đến thăm Thung lũng Silicon, nơi các nhóm đã trình bày sơ bộ về kế hoạch kinh doanh của họ cho các nhà đầu tư mạo hiểm và tại thung lũng Napa, nơi các nhóm được nghe thuyết trình tại vườn nho độc lập lớn nhất trong thung lũng, thuộc sở hữu của Andy Beckstoffer, cựu sinh viên của Tuck, về kinh doanh nông nghiệp giá trị gia tăng cao, và, nhờ giới thiệu của ông Beckstoffer, các học viên cũng được mời đến thăm và nếm thử rượu vang Cabernet Sauvignon nổi tiếng tại nhà máy rượu Stags Leap Cellars.

Ở bờ biển phía Đông, tại Washington, DC, chúng tôi đã được các nhân viên công vụ của USTR, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính Mỹ, đại sứ quán Việt Nam giới thiệu về các chính sách của chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến quan hệ thương mại, kinh tế và kinh doanh Mỹ – Việt. Ngoài ra, Phòng Thương mại và Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt cũng giới thiệu về quan hệ doanh nghiệp – chính phủ của Mỹ. Tại thành phố New York, chúng tôi gặp gỡ và được nghe giới thiệu bởi các công ty lớn ở Phố Wall như AIG, Citibank, Morgan Stanley cùng nhiều công ty khác. Tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED), chúng tôi được giới thiệu tóm tắt về các nhóm chức năng và ý nghĩa vai trò của FED trong chính sách tiền tệ Hoa Kỳ, họ dẫn chúng tôi xuống hầm, sâu dưới lòng đất, nơi các thành viên các nhóm có thể quan sát (nhưng không được thử, giống như rượu vang ở Napa) những thỏi vàng trị giá hàng tỷ đô la mà Ngân hàng giữ vai trò lưu quỹ cho nhiều quốc gia khác.

Các nhóm IEDP, khi đến Hoa Kỳ, đã đi từ một cuộc gặp gỡ hoặc sự kiện này đến một cuộc họp khác bằng xe buýt mà Trung tâm Kinh doanh Quốc tế của Tuck đã thuê. Công việc của tôi, với tư cách Giám đốc chương trình là sắp xếp các cuộc gặp gỡ, và tôi rất may mắn được đi cùng các nhóm trên xe buýt để làm quen và kết bạn với các thành viên trong nhóm, trong đó, có nhiều người tôi vẫn gặp bất cứ khi nào đến Việt Nam. Để làm cho chuyến xe trở nên thú vị hơn, mỗi ngày, khi bắt đầu chuyến xe, với một tâm trạng thật tốt, tôi đứng trên lối đi phía trước xe và hát một bài hát, thường là những gì người Mỹ gọi là “golden oldie (những thứ già cỗi, nhưng đắt giá)”. Sau khi tôi kết thúc, giữa những nụ cười và tiếng cười của mọi người, tôi thường xuyên gọi bất kỳ các thành viên IEDP, nói “ok, đến lượt bạn hát cho chúng tôi nghe rồi.” Lúc nào cũng vậy, mỗi người sau khi hát sẽ gọi tên một người tiếp theo, cứ như vậy, cả nhóm sẽ luôn tham gia vào điệp khúc.

HSB Lich-su-2

Lễ tốt nghiệp của lớp IEDP 2003 tại Tuck

Những chuyến xe buýt không chỉ đưa chúng tôi đến các cuộc gặp gỡ mà còn đưa chúng tôi đến một số điểm tham quan nổi tiếng của nước Mỹ. Chúng tôi thấy những đám sương mù trên Cầu Cổng Vàng ở San Francisco, chợ Pike Place nhộn nhịp trên bờ sông vịnh Elliott của Seattle, những thảm hoa dại rộng lớn điểm xuyết trên các sườn của dãy núi Rainier, hàng hàng mẫu đất và mẫu hoa trong các nhà kính được kiểm soát bởi máy tính của Exchange Nurserymen ở vịnh Half Moon, California, khuôn viên tráng lệ của Đại học Yale ở Connecticut và ở chặng cuối cùng của chuyến xe buýt từ New York đến Hanover là những ngọn đồi xanh và thung lũng tại Vermont. Ở New York, trong năm năm đầu tiên của chương trình, chúng tôi đã ở lại khách sạn Mariott World Trade Center cho đến khi khách sạn này và tháp đôi bên cạnh, nơi có đài quan sát mà các học viên IEDF ghé thăm, đã bị phá hủy trong cuộc tấn công bi thảm ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Gần 350 các giám đốc điều hành và nhà quản trị điều hành của các công ty Việt Nam, từ khắp nơi trên cả nước, cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đã tham gia vào chương trình IEDP trong tám năm từ 1996 đến cuối năm 2003. Các nhà quản trị tham gia chương trình đã đến từ nhiều công ty quốc doanh lớn nhất và công ty lớn nổi tiếng nhất của đất nước như PetroVietnam, VINACOAL, VINASTEEL, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, VNPT, FPT, BIDV, EXIM Bank, VietcomBank, Bảo Việt, Bảo Minh, Hàng không quốc gia Việt Nam, Đường sắt Việt Nam và Công ty Nước giải khát Hà Nội.

HSB Lich-su-3

Lớp IEDP 2001 tại Nhà Trắng

Thêm vào đó, như một phản ánh của kết quả cải cách Đổi Mới, nhiều giám đốc theo học trong chương trình đến từ các công ty tư nhân trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số nhà lãnh đạo nổi tiếng của các công ty như AA Corporation về đồ nội thất và trang trí nội thất, Công ty Galaxy trong lĩnh vực tiếp thị, quan hệ công chúng và tư vấn, Kinh Đô trong bánh kẹo và các sản phẩm đồ ăn nhanh và Công ty Thiên Long sản phẩm văn phòng phẩm. Những học viên khác sau đó tiếp tục xây dựng những công ty hàng đầu như NovaLand trong lĩnh vực bất động sản và nông sản, và DatVietVAC về truyền thông, giải trí và truyền thông, trong số nhiều công ty thành công được xây dựng bởi các cựu học viên IEDP. Ước tính rằng vào cuối chương trình, các công ty có giám đốc điều hành đã tham gia IEDP chiếm hơn 30% GDP của Việt Nam và học viên tốt nghiệp IEDP chiếm 80% thành viên của Tổ chức Lãnh đạo trẻ Việt Nam (YPO).

HSB Lich-su-4

Lớp IEDP 2001 tại US Capotol

Danh sách các công ty có các Giám đốc điều hành và các Nhà Quản trị đã theo học chương trinh IEDP là quá dài để tôi đề cập ở đây. Với những học viên đã tốt nghiệp IEDP mà tôi chưa đề cập đến tên công ty của họ, tôi xin lỗi các bạn, và hãy biết rằng tôi làm vậy chỉ vì khuôn khổ của bài viết. Tôi tự hào về tất cả các sinh viên đã tốt nghiệp IEDP và những đóng góp của các bạn cho sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam trong hai thập kỷ qua.

Những dự án Tư vấn doanh nghiệp của HSB-Tuck

Chương trình liên kết thứ hai giữa HSB-Tuck có liên quan tới chương trình tư vấn quốc tế cho sinh viên MBA Tuck mà tôi đồng sáng lập và điều hành từ năm 1996. Trong giai đoạn 1996-2006, chương trình Tuck đã thực hiện khoảng 115 dự án cho hơn 50 khách hàng ở 30 quốc gia trên thế giới. Sau khi thỏa thuận với Chủ nhiệm khoa Trương Gia Bình, tôi đã đưa nội dung làm việc với HSB trong các dự án ở Việt Nam thành một phần thiết yếu của chương trình này và nhiều dự án đầu tiên trong chương trình đã được thực hiện tại Việt Nam.

Các dự án tư vấn thường có một nhóm gồm năm hoặc sáu học viên của Tuck phân tích một vấn đề mà công ty khách hàng đang thực hiện ở một quốc gia ngoài Hoa Kỳ. Các sinh viên, dưới sự hướng dẫn của một giáo sư trường Tuck ở Việt Nam cho tất cả các dự án, riêng bản thân tôi sẽ làm việc trong kỳ học Mùa thu ở Tuck, sau đó cùng với giáo sư đến nước ngoài và dành ba tuần để nghiên cứu tại chính nơi đó. Ở Việt Nam, giai đoạn này của dự án tư vấn yêu cầu cả sinh viên và giảng viên HSB cùng phối hợp, với sự hướng dẫn của giảng viên HSB, học viên HSB cùng học viên Tuck đến từ các chuyên ngành sẽ phỏng vấn khách hàng, nhà cung cấp, cơ quan, văn phòng chính phủ để đưa ra một báo cáo sơ bộ cho khách hàng.

Các học viên Tuck, độ tuổi trung bình là 29 hoặc 30, đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc và do đó có thể chia sẻ các kỹ năng phỏng vấn, nghiên cứu và phân tích của họ với các học viên HSB trẻ hơn. Các sinh viên và giảng viên cố vấn của HSB có thể cung cấp cho học viên Tuck hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam, thị trường và thực tiễn kinh doanh của Việt Nam. Một số dự án hợp tác song phương đã được thực hiện cho các công ty nước ngoài như Cargill, Walt Disney, Johnson and Johnson và Nike. Các dự án được thực hiện cho các công ty Việt Nam bao gồm: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Fahasa, FPT Soft, Công ty Nước giải khát Hà Nội, Kinh Đô, Techcombank và Vinausteel. Quỹ Freeman một lần nữa hào phóng tài trợ cho các dự án tư vấn tại Việt Nam.

HSB Lich-su-5

Đội tư vấn Tuck-HSB cho BIDV năm 2004

Lời kết
Hơn một thập kỷ làm việc và học hỏi từ các nhà lãnh đạo, giáo sư của HSB cũng như các học viên tham gia theo học chương trình liên kết giữa HSB-Tuck đã mang đến cho tôi và các giảng viên Tuck những kỷ niệm và ảnh hưởng lớn lao. HSB đã đem đến cho chúng tôi một cơ hội vô giá để quan sát và học tập những bài học mới mẻ và bổ ích, đồng thời đóng góp hỗ trợ trong công cuộc phát triển nền giáo dục chuyên ngành kinh doanh tại Việt Nam trong thời khắc lịch sử và cả trong quá trình đang tiếp tục chuyển động về phía nền kinh tế thị trường của đất nước này. HSB đã đem đến cho tôi nhiều mối quan hệ bền chặt với những người bạn mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Kinh nghiệm có được với HSB đã làm thay đổi và bồi đắp cho hành trình sống của tôi và đã làm cho tôi có tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam nói chung và HSB nói riêng. Tôi xin kết lại bằng cách gửi đến tất cả các thành viên trong gia đình HSB, cũng như tất cả sinh viên, học viên của tôi, những lời chúc tốt đẹp, ấm áp nhất, chúc các bạn mãi mãi thành công.

Related Posts