DIỄN ĐÀN HỢP TÁC QUẢN TRỊ AN NINH PHI TRUYỀN THÔNG KHU VỰC ASEAN -NƠI CHIA SẺ CỦA CÁC NHÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH VÀ CÁC HỌC GIẢ VIỆT NAM VÀ QUỐC TẾ

Diễn đàn hợp tác Quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN lần đầu tiên là một sáng kiến của các nhà khoa học Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), trong đó, Viện An ninh phi truyền thông (INS) thuộc Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) là đơn vị tổ chức. Để làm rõ hơn về ý nghĩa của Diễn đàn này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tướng GS.TS.Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn. Sau đây là  cuộc trao đổi ngắn trước khi diễn ra Diễn đàn.

Trung tướng GS.TS.Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn

 

1. Thưa Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, Diễn đàn này có ý nghĩa thế nào đối với các nước ASEAN, nói chung và Việt Nam, nói riêng?

ASEAN là một khu vực có dân số đông và là cộng đồng kinh tế lớn trên thế giới. Hiện nay, chúng ta đều mong muốn ASEAN luôn là khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, khu vực ASEAN đang phải đối diện với nhiều rủi ro, khủng hoảng, nguy cơ và thách thức đe dọa sự ổn định và phát triển bền vững, trong đó có các vấn đề đang hiện hữu và ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, để tăng cường hội nhập về an ninh nói chung, an ninh phi truyền thống nói riêng trong khuôn khổ ASEAN theo phương châm “Gắn kết và Chủ động thích ứng” mà Việt Nam đã nêu ra trong năm 2020 làm Chủ tịch ASEAN, Diễn đàn này có tên gọi tiếng tắt bằng Anh là ACF-MNS (ASEAN Cooperation Forum on Management of Nontraditional Security) lần thứ nhất được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội là một cơ hội quý giá để cùng nhau trao đổi và thảo luận về cả lý luận và thực tiễn của công tác quản trị an ninh phi truyền thống trong từng nước và trong khối ASEAN.

2. Những vấn đề chính của Diễn đàn này là gì, thưa Trung tướng, GS.TS?

Diễn đàn lần thứ nhất này sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính:

Một là, các nhà hoạch định chính sách, các học giả sẽ phân tích và chia sẻ tri thức về an ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống; Hai là, sẽ phân tích các vấn đề an ninh phi truyền thống và tác động tới sự ổn định và phát triển bền vững của từng quốc gia và khu vực ASEAN; Ba là, Diễn đàn sẽ đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác để nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo về quản trị an ninh phi truyền thống từ chính sách đến chiến lược, hành động.

3. Thưa Trung tướng, GS.TS, tại sao Diễn đàn quan trọng này lại được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội?

ASEAN đã và đang có các hoạt động hợp tác ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong đó có đại dịch COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và thiết lập trong những năm qua. Nhiều nhà khoa học ASEAN đã và đang nghiên cứu về an ninh phi truyền thống, tuy nhiên ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên của ASEAN đi tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo về quản trị an ninh phi truyền thống với những kết quả ban đầu khá khích lệ và đang đẩy mạnh hợp tác để phát triển trường phái học thuật Quản trị An ninh phi truyền thống (MNS). Đây là lý do và cơ sở để ĐHQHN đề xuất sáng kiến tổ chức Diến đàn ACF-MNS.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong ủng hộ HSB trong việc triển khai nghiên cứu, đào tạo về an ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống. Từ năm 2015, Khoa Quản trị và Kinh doanh (nay là Trường Quản trị và Kinh doanh-HSB), trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức đào tạo bậc học đại học và sau đại học về quản trị an ninh phi truyền thống; đồng thời, đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về quản trị an ninh phi truyền thống cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn.

Năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học quản lý và quản trị an ninh phi truyền thống (nay là Viện An ninh phi truyền thống), đặt tại Khoa Quản trị và Kinh doanh (nay là Trường Quản trị và Kinh doanh). Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học liên ngành về lĩnh vực an ninh phi truyền thống đầu tiên ở Việt Nam.

Xin cảm ơn Trung tướng,GS.TS Nguyễn Xuân Yêm.

Related Posts

Leave a Reply