Ngày 17 tháng 10 năm 2022, tại Hà Nội, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội (Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh) tổ chức Diễn đàn hợp tác quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN (được viết tắt là Diễn đàn ACF-MNS).
Đây là lần đầu tiên Diễn đàn ACF-MNS được tổ chức với sự ủng hộ của các cơ quan chức năng Việt Nam, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an. Diễn đàn có sự tham gia của các Bộ, Ban, Ngành, Thành phố Hà Nội; các nhà khoa học, học giả; các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín của Việt Nam. Bên cạnh đó, Diễn đàn còn được tiếp đón các vị khách quốc tế đến từ Đại sứ quán các nước Đông Nam Á và Đại sứ quán một số quốc gia tại Hà Nội, sự tham gia trực tuyến của các học giả của một số trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng của các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.
Nội dung của Diễn đàn ACF MNS lần thứ nhất tập trung vào 3 chủ đề chính đó là việc phân tích và chia sẻ tri thức về an ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống; Tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tới từng quốc gia và khu vực ASEAN; Đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và quản trị an ninh phi truyền thống từ chính sách đến chiến lược, hành động.
GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Hiện nay, ở khu vực ASEAN, các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa liên quan đến an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang ngày càng hiện hữu và gia tăng, đòi hỏi cấp thiết đối với khu vực là phải chung tay, củng cố vững chắc lòng tin, kết hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trong việc đảm bảo an ninh cho toàn khu vực”.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực Quản trị An ninh phi truyền thống, PGS.TS. Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Từ năm 2014 đến 2022, Trường Quản trị Kinh doanh đã xuất bản nhiều bài báo khoa học trong nước và quốc tế về Quản trị An ninh phi truyền thống và trực tiếp tổ chức đào tạo về quản trị an ninh phi truyền thống cho hơn 5.000 cán bộ quy hoạch cấp chiến lược thuộc các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp lớn của Việt Nam; gần 200 thạc sĩ đã tốt nghiệp Quản trị An ninh phi truyền thống hiện đang công tác trong nhiều lĩnh vực, đang có nhiều đóng góp cho việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và vận dụng tri thức Quản trị An ninh phi truyền thống trong các hoạt động ban hành chính sách, xây dựng và thực thi các chiến lược và kế hoạch hoạt động Quản trị An ninh phi truyền thống kết hợp với các chiến lược phát triển bền vững. Tuy nhiên, các kết quả này mới chỉ là bước đầu và chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nâng cao nhận thức và năng lực quản trị an ninh phi truyền thống của các chủ thể lãnh đạo, quản trị và điều hành”
Diễn đàn ACF MNS là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các học giả, nhà khoa học, nhà giáo dục và các nhà quản trị công, tư tại Việt Nam và các nước trong khu vực cùng chia sẻ ý tưởng, tri thức, kinh nghiệm, và các kết quả nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực quản trị an ninh phi truyền thống từ chính sách, chiến lược đến hành động ở tất cả các cấp độ từ quốc gia đến cộng đồng, tổ chức và doanh nghiệp.
Đại học Quốc gia Hà Nội kỳ vọng sau sự thành công của Diễn đàn này sẽ hình thành nên một diễn đàn chung của ASEAN về an ninh phi truyền thống, và sẽ được tổ chức thường niên; là nơi thu hút các nhà khoa học, học giả, các nhà quản trị và hoạch định chính sách, trong và ngoài khu vực ASEAN bàn thảo về các khía cạnh khác nhau của an ninh phi truyền thống nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, thịnh vượng và phát triển bền vững./.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lí luận Trung ương phát biểu tại diễn đàn.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh phát biểu tại diễn đàn
Các đại biểu chụp ảnh tại diễn đàn
Các đại biểu Việt Nam và quốc tế phát biểu online