[ĐỀ TÀI NCKH CỦA SINH VIÊN HSB] TRẠNG THÁI AN NINH MÔI TRƯỜNG THEO PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN HỆ THỐNG VÀ LIÊN NGÀNH TẠI LÀNG NGHỀ ĐÔNG MAI, HƯNG YÊN.
Vừa qua, chiều ngày 23/11/2023, Tiến sĩ Trịnh Văn Quyền và nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) lớp MAS1 đã có buổi thuyết trình rất thành công về đề tài “Trạng thái an ninh môi trường theo phương pháp tiếp cận hệ thống và liên ngành tại làng nghề Đông Mai, Hưng Yên”. Đây là đề tài NCKH đầu tiên của sinh viên HSB thu hút sự quan tâm đông đảo của các sinh viên và giảng viên trong trường.
Nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học gồm có 4 sinh viên: Nguyễn Thị Ngân Hà, Phạm Thị Thu Hà, Nguyễn Hữu Hoàng Phong, Trần Kim Thiện lớp MAS1 được Tiến sĩ Trịnh Văn Quyền, Khoa An ninh phi truyền thống, Trường Quản Trị và Kinh Doanh làm giảng viên hướng dẫn.
Ở Việt Nam các làng nghề tái chế chì đã đang bị ảnh hưởng bởi sự phát thải chì, đó là sự ô nhiễm chì trong đất, không khí. Sự nhiễm độc chì đặc biệt nguy hại ở trẻ nhỏ và ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ. Hơn nữa việc tái chế ắc quy đã qua sử dụng ở Việt Nam chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công, nên đã gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe con người và môi trường như suy giảm chức năng thần kinh, sinh sản, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư. Do đó, nghiên cứu đánh giá thực trạng an ninh môi trường và để xuất các giải pháp đảm bảo môi trường làm việc là việc làm rất cần thiết hiện nay.
Để đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng, sức khoẻ và góp phần đảm bảo an ninh môi trường cho làng nghề Đông Mai, tỉnh Hưng Yên cũng như trên cả nước Việt Nam, nhóm nghiên cứu của sinh viên lớp MAS1, trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) đã đánh giá thực trạng và áp dụng phương pháp tiếp cận liên ngành.
Sau buổi thuyết trình vào hồi chiều ngày 23/11/2023, Ban Truyền thông HSB đã có dịp trò chuyện với các bạn trong nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học và nghe được những chia sẻ thú vị, những khó khăn và nhiều điều bổ ích về khoảng thời gian nghiên cứu đề tài.
Nhóm nghiên cứu có thể cho biết vì sao nhóm lại lựa chọn đề tài này để nghiên cứu không?
Chúng mình quyết định chọn đề tài tái chế ắc quy thải để nghiên cứu vì mình nhận thấy rằng đây là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống hiện nay. Trước tiên, về tác động đến môi trường, nhóm mình nhận thấy rằng ắc quy thải có thể gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người nếu chúng không được xử lý đúng cách. Việc nghiên cứu về tái chế ắc quy thải có thể giúp giảm thiểu tác động này và bảo vệ môi trường. Thứ hai, nhóm mình tin rằng việc tái chế ắc quy thải giúp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Thay vì sản xuất ắc quy mới từ chì khai thác từ mỏ, tái chế ắc quy thải giúp sử dụng lại tài nguyên có sẵn và giảm thiểu sự khai thác tài nguyên khoáng sản. Thứ ba, ngành công nghiệp tái chế ắc quy thải có tiềm năng tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và kích thích phát triển kinh tế trong khu vực. Việc nghiên cứu về tái chế ắc quy thải có thể mang lại cơ hội kinh doanh và phát triển cho cộng đồng.
Đây là những lý do cơ bản để nhóm quyết định chọn đây là đề tài nghiên cứu.
Vậy trong quá trình nghiên cứu, điều gì khiến các bạn cảm thấy khó khăn nhất?
Trong quá trình nghiên cứu, đối với em việc khó khăn nhất là làm sao để chọn ra được phương pháp cải tiến mới phù hợp với khả năng hiện giờ của nước ta và sẽ không bị lạc hậu ít nhất 20 năm tới. Phương pháp đó vừa phải phù hợp với tay nghề trung bình thợ ở Việt Nam vừa phải có hiệu quả cao nhất. Chi phí đầu tư ban đầu và vận hành phải hết sức hợp lý để có thể thu hút được các công ty và làng nghề. May mắn là sau quá trình nghiên cứu và khảo sát, phương pháp thuỷ luyện không những phù hợp với Việt Nam mà còn được coi là phương pháp tái chế ắc quy chì tối ưu nhất về mọi mặt.
Nếu áp dụng đề tài này vào thực tiễn thì sẽ thay đổi và mang lại những lợi ích gì?
Khi áp dụng được phương pháp mới vào thực tiễn thì sẽ giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường rất nhiều. Lợi ích đem lại là sẽ giúp môi trường sống quanh khu dân cư trong sạch hơn, người dân và các công nhân lao động sẽ giảm thiểu được nguy có nhiễm độc chì và các bệnh lý khác.
Cuối cùng, các bạn có thể chia sẻ thêm một vài kỷ niệm gì đáng nhớ trong quá trình làm nghiên cứu không?
Đối với mình, kỉ niệm đáng nhớ nhất là những lần được cùng thầy hướng dẫn – TS.Trịnh Văn Quyền – đi thực tế ở Hưng Yên. Có lần ngồi đợi lãnh đạo gần 4-5 tiếng để được gặp mặt và nói chuyện, có lần nhóm nghiên cứu được thầy chở đi mua bánh rán, ăn chè, uống cà phê, trà đá, hỏi han người dân xung quanh, nói chuyện học hành, được thầy góp ý, giúp đỡ. Đáng nhớ là những chuyến xe bus lúc muộn về cùng nhóm nghiên cứu, cùng nhau ngồi trên chiếc xe ngắm thành phố. Mỗi lần đi đều là một trải nghiệm, một khoảng thời gian đáng nhớ và đáng quý đối với bản thân mình.
Cám ơn các bạn và chúc nhóm sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đam mê nghiên cứu để có những công trình “tầm cỡ” hơn trong thời gian tới.
Ảnh,bài viết: Mỹ Tâm, Phương Linh (MET)